Penélope Cruz trong Vanilla sky |
VANILLA SKY – KHI GIẤC MƠ LẤN ÁT THỰC TẠI
Warning: Bài viết có tiết lộ toàn bộ nội dung phim
Một số fact về Vanilla sky mà có thể bạn chưa biết:(tham khảo https://mimicnews.com/10-things-you-didnt-know-about-vanilla-sky-screenrant)
- Vanilla sky là bản remake tác phẩm Open your eyes ra mắt năm 1997 do Alejandro Amenábar đạo diễn và đồng biên kịch Mateo Gil
- Vai diễn của Penélope Cruz trong Open your eyes cũng được thể hiện lại bởi chính cô trong Vanilla sky
- Vanilla
sky có sự tổng hòa giữa nhiều biểu tượng văn hóa trải dài qua nhiều thập niên: ảnh
hưởng mạnh mẽ của Tứ quái The Beatles, John Lennon & Ono Yoko, Bob Dylan, hội
họa của Claude Monet,...
- Có một cảnh
quay được cho là đã tái hiện lại artwork của album The freewheelin' Bob Dylan của
huyền thoại folk những năm 60 của thế kỷ trước - Bob Dylan, đó là khi đôi trẻ
Cruise và Penélope sánh bước hạnh phúc trên con đường phủ tuyết trắng
- Vanilla sky là tác phẩm thứ hai mà Tom Cruise
và Cameron Diaz cùng góp mặt. Các tác phẩm về sau của họ: Minority report
(2002), Knight and Day (2010)
- Tom Cruise và Penélope Cruz đã có mối quan hệ
lãng mạn sau khi phim đóng máy, lúc này Tom đã ly hôn người vợ thứ hai của
mình, Nicole Kidman
Tôi rất
thích cái cách mà một số trang phim (chính thống hoặc không) dịch tựa đề của
Vanilla sky. Khung trời ảo mộng. Chất liệu huyền ảo có vai trò lớn trong các cảnh
lãng mạn, đồng thời cũng làm rất tốt vai trò đánh lạc hướng trong các tình huống
tạo sự hồi hộp. Một mê trận của hiện thực và ảo mộng có thể khiến người xem rối
trí nhưng lại là xương sống của cốt truyện.
Penélope
Cruz không quá xa lạ với các tín đồ Hollywood trong thập niên 2000s, bởi lẽ
nàng thơ xứ bò tót sở hữu nhan sắc vô cùng cuốn hút và diễn xuất nhập vai, nhất
là các vai diễn nội tâm phức tạp. Chẳng quá khi nói rằng Sofia của Vanilla sky
là vai diễn dành cho Penélope. Nếu như phía bên kia Cameron Diaz chứng tỏ mình
là một nhân tình ngọt ngào, có phần liều lĩnh và hết mình vì yêu đương thì
Penélope cũng không hề bị lép vế, cô như nàng thơ của mọi ánh nhìn, người mà
khiến chúng ta - những khán giả của bộ phim ngay lập tức nhận ra được đây chính
là người tạo ra khúc cua của định mệnh. Ngay từ những cảnh quay đầu tiên, cuộc
gặp gỡ giữa Sofia và David đã dễ dàng tạo ra một bối cảnh êm đềm của ái tình,
cho đến khi ảo mộng thế chân thực tại.
Một vai diễn
đáng xem đến từ vị trí của Tom Cruise sau Eyes Wide Shut (1999) và Magnolia
(1999). Tom đã tạo ra thế cân bằng hoàn hảo giữa phim nghệ thuật và phim giải
trí. Có lẽ rất lâu nữa người ta vẫn sẽ còn nhắc đến phân cảnh khóc của Frank
(người diễn thuyết về cách cưa đổ các cô nàng - thủ vai bởi Tom) bên giường bệnh
của người cha đã bỏ mặc anh từ ngày thơ ấu
(Jason Robards đóng). Ở Vanilla sky, David Aames của Tom cũng bị bóc trần mọi lớp
lang cảm xúc sâu kín của một kẻ có tất cả: từ tiền bạc, quyền lực, diện mạo,
bóng hồng cho đến khi biến cố lớn xảy ra và cướp đi một phần cuộc sống của anh
ta. Có lẽ thời lượng chúng ta nhìn thấy David qua lớp mặt nạ còn lớn hơn thời
lượng mà khuôn mặt điển trai của anh được lên hình. Thế nhưng tâm lý phức tạp của
một gã đại gia vật lộn với tiêu cực, uất ức và ảo giác cứ thế hiện lên, không hề
bị lớp mặt nạ vô hồn che khuất.
Đã khéo
léo phơi bày được góc khuất của xã hội kim tiền, khi mà người giàu cũng khóc, có
thể nói rằng thông điệp mà Cameron Crowe muốn truyền tải đơn thuần là việc xóa
tan ranh giới giữa người giàu và kẻ nghèo. Khi không có được hạnh phúc trong
tâm hồn, giàu hay nghèo có quan trọng? Dường như đó chỉ là một thứ nhãn dán mà
xã hội nhìn nhận con người. Không có thứ nhãn dán đó, dù giàu sang hay hèn kém,
con người vẫn chỉ thuần túy khao khát tình yêu mà thôi.
Bằng cách
sắp xếp các khung hình lộn xộn một cách có chủ ý, Vanilla sky bước đầu hack não
người xem bằng cách bày ra một ma trận kết hợp thực tại và ảo giác. Rất đáng
khen cho biên kịch khi bộ đôi này đã chọn lựa thể hiện một chủ đề không mới theo
một cách rất mới lạ khi kết hợp hoàn hảo giữa thriller và romance comedy, không
hề màu mè hay sa đà vào kể chuyện thừa thãi. Rất sớm thôi người ta sẽ quen với
mạch phim chậm rãi, thông tin được hé lộ dần dần. Và rồi bất ngờ khi cú twist
được tiết lộ và cuối phim, thế nhưng nếu như để ý một chút, có thể nhận ra các
manh mối được cài vào trong hai tiếng đồng hồ, cơ hồ như những mẩu bánh mỳ vụn
dẫn người ta đến với đích. Sự phi lý về dòng thời gian, các nhân vật, bối cảnh
bị thay đổi liên tục. Trước khi xem cái kết, người ta có thể suy đoán rằng David
đang trải qua một chuyến trip* đưa anh lên tận mây xanh thế nhưng đó là một
trong số nhiều cách lý giải Vanilla sky (theo Cameron Crowe thì có đến 5 giả
thiết mà người xem có thể dùng để lý giải phim). Cái kết đã gợi mở nhiều hơn một
cách hiểu toàn bộ phim một cách nhất quán. Tuy nhiên, dễ hiểu và trọn vẹn nhất
là cách mà người Technic support (Noah Taylor đóng) giải thích toàn bộ những gì
mà David trải qua (vâng, chính xác là sau khi Sofia chia tay anh).
Giấc mơ là
một điều huyền bí mà trải qua cả hàng nghìn năm người ta vẫn còn đang đi tìm
câu trả lời, cho đến cuối thế kỷ 19, một bác sĩ tâm thần người Áo có tên Sigmund
Freud đưa ra kết luận một cách đầy thách thức. Giấc mơ là tiếng gọi của tiềm thức,
là câu trả lời cho những ẩn ức tính dục của con người bị đè nén bởi bản ngã.
Cũng như David và những gì Life Extension mang đến cho anh, những khát khao thầm
kín về việc khôi phục lại diện mạo trước kia, có được tình yêu với Sofia, để mọi
thứ quay trở lại quỹ đạo ban đầu trước tai nạn là khởi thủy của mọi định hình để
bước vào thế giới ảo mộng mang tên giấc mơ sáng suốt (lucid dream). Nếu như lưu
ý đến những khung hình có Sofia xuất hiện, sẽ dễ hiểu khi thấy đa phần chúng có
vẻ mờ ảo. Một phần đó là khi David đang ở trong lucid dream, cũng có thể một phần
thực tại tươi đẹp ít ỏi mà đôi tình nhân có thể chia sẻ với nhau.
Một cách
lý giải khác không hoàn toàn thuyết phục, tuy nhiên lại có phần hợp lý với nhiều
chi tiết trong phim như sau. Bộ phim là một cú lừa và diễn ra trong tưởng tượng
của một nhân vật nào đó. Từ cuộc đời hoàn hảo không tì vết của David, nhiều hơn
một thực tại khi David bị thẩm vấn trong lớp mặt nạ, đêm cuối tại hộp đêm, trải
nghiệm hạnh phúc cùng Sofia. Thêm một mẩu bánh mì vụn đánh rơi: ngày tháng đăng
ký xe của David là 30/02/2001, một mốc thời gian không có thực.
Một điều
cuối cùng mà Vanilla sky để lại trong tôi (ừm nhất định ngoài việc đây là một bản
remake đáng xem) chính là việc con người có thể chọn cho mình cách để mơ mộng.
Nhưng đừng quên rằng rồi sẽ đến lúc phải quay về với thực tại. Vanilla sky là
tên ca khúc chủ đề trong phim được sáng tác và thể hiện bởi Paul McCartney, và
đồng thời cũng gợi nhắc đến bức họa Seine at Argenteuil của Claude Monet.
David dường như đã chọn khung trời ảo mộng trong bức tranh ấy làm bối cảnh để
thực hiện lucid dream. Đây cũng là một ẩn dụ khéo léo về một thực tại tươi đẹp
không còn nỗi đau hay mất mát.
* trải nghiệm của một chuyến đi, thường dùng để
mô tả trạng thái thần kinh gặp ảo giác của người sử dụng chất hướng thần (nấm
hướng thần) hoặc các loại ma túy tổng hợp có chứa chất hướng thần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét