Là một tác phẩm đến từ đạo diễn Chung Chí Công năm 2019, Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi lấy chủ đề về sự lạc lối của người trẻ nơi đô thị trên nền chất liệu nhạc indie giàu cảm xúc. So với mặt bằng chung của phim Việt, Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi đã có một bước tiến khá xa về mảng diễn xuất và kịch bản. Biên kịch đã rất táo bạo khi dám tách mình khỏi khuôn mẫu các phim chứa yếu tố hài - kinh dị mà ta thường thấy ở các phim Việt những năm trở lại đây để tạo ra một cốt truyện mới mẻ mà chưa đạo diễn Việt nào dám thử sức. Cái khó ở đây là làm sao giữ chân được khán giả trong rạp khi câu chuyện hoàn toàn dựa vào hầu hết các cảnh đối thoại của hai nhân vật chính. Một điều khó hơn nữa mà phim đã làm được chính là tạo ra sự liền mạch cho mạch phim, dù có chuyển bối cảnh đôi lần nhưng không hề làm gián đoạn quá trình thưởng thức bộ phim.
Trước hết cần dành lời khen cho toàn bộ ekip khi đã mang đến
những thước phim chỉn chu và có chiều sâu. Nổi bật với những cú long take và đổi
hướng màn hình liên tục, đạo diễn hình ảnh đã bắt trọn được những khoảnh khắc hết
mình với âm nhạc của hai diễn viên chính. Dù khá kiệm lời khen nhưng tôi thực sự
đã rất ấn tượng với khả năng ca hát của Trần Lê Thúy Vy (vai Thanh) và Hà Quốc
Hoàng (vai Tâm), hai bạn trẻ làm tốt vai trò kể chuyện qua âm nhạc và diễn xuất
tự nhiên. Ngoài ra không thể phủ nhận gam màu vintage phủ bóng lên các không
gian mà cả hai đi qua, vừa đem lại cảm giác hoài niệm vừa nâng tone cho các
shot hình trở nên ấm áp kì lạ. Cho dù câu chuyện tuổi trẻ của họ có chênh vênh
thì vẫn tồn tại một sự tin tưởng và an tâm vững chắc qua gam màu này.
Nói đi cũng phải nói lại, dù là một phim tốt ở thời điểm hiện
tại, nhưng đây không phải là phim dành cho đại đa số các bạn trẻ như những gì
được quảng bá trên truyền thông. Việc mà một phim tốt cần làm là lấy được sự đồng
cảm của người xem, nếu không làm được thì sẽ cầm chắc thất bại. Lấy một nhân vật
như Tâm làm khuôn mẫu cho cuộc sống nay đây mai đó của tuổi trẻ Sài Gòn, điều
này khó gây dựng được mối đồng cảm với người xem. Mối trăn trở của Tâm, nếu
không phải là người từng kinh qua trải nghiệm thất bại trong nghề làm nhạc, thì
chắc chắn chẳng ai quan tâm.
Không phải là sự lạc
lối của người trẻ nói chung, đây là sự bế tắc trong cuộc đời của người làm nhạc
độc lập, không tiền, không người ủng hộ, cũng không biết tương lai đi đâu về
đâu. Khi gói gọn sự bấp bênh của tuổi trẻ bằng trải nghiệm cá nhân của Tâm,
phim đã vô hình chung làm nên một xuất phát rất khó đồng cảm. Ngay ở cuộc đời
qua lăng kính của Thanh cũng không thể cứu vớt trải nghiệm của khán giả, vì
Thanh càng khó đồng cảm hơn nữa. Thanh không màng danh lợi, cũng không màng
tương lai. Cô sẽ về Đà Lạt mở homestay, chấm hết. Cứ như một sự sắp đặt nào đó
khiến cô nàng vô cùng ung dung tự tại, không tồn tại sự lo lắng hay bất an mà
Tâm đang mang. Tôi không cho rằng đó là hình ảnh mà người trẻ nên hướng đến.
Cho nên tính kết nối giữa hai nhân vật trở nên vô cùng lỏng lẻo. Chưa kể đến phản
ứng hóa học giữa hai nhân vật khiến tôi phải ồ lên trong đoạn kết: Hóa ra anh ấy
thích cô ấy sao? Và cô ấy cũng chờ đợi anh ấy đi tìm mình? Cảm xúc giữa họ rất
khó tin, vì trong suốt những ngày thong dong cùng nhau, họ ít có sự kết nối về
mặt cảm xúc đến mức tôi nghĩ họ đơn thuần là một người đưa ra câu chuyện một
người đưa ra lời khuyên. Khi Tâm đến Đà Lạt tìm Thanh và bày tỏ tình cảm của
mình, một sự gượng gạo đáng kể xuất hiện, cho dù hai nhân vật đã dùng ánh mắt ý
nhị và cười mỉm với nhau để khỏa lấp. Tuy vậy là không đủ để đẩy cảm xúc lên
cao và khiến tôi có chút chưng hửng.
Đây là một bộ phim không dành cho số đông, mà dành cho bộ phận
những nghệ sĩ làm nhạc indie. Họ là những người đã nản chí trước hành trình
dài, và có thể trong số họ đã có người từ bỏ âm nhạc để làm công việc bàn giấy
hay bất cứ một nghề nghiệp nào có thể khiến họ trụ vững ở thành phố phồn hoa.
Việc truyền thông chưa đúng đối tượng khán giả khiến Trời sáng rồi ta ngủ đi
thôi bị chê là nhạt nhẽo không có cao trào, thậm chí bị cắt suất chiếu. Đạo diễn
Chung Chí Công đã đăng đàn kêu gọi cứu phim indie, điều này một mặt đã khiến
nhiều người trẻ ủng hộ nhưng một mặt cũng khiến người ta hoài nghi và quay lưng
lại với phim vì cho rằng đây chẳng khác gì một chiêu trò. Tính đúng sai của sự
việc nằm ở góc nhìn của mỗi người, tôi không phán xét chuyện này. Tuy nhiên điều
mà phim có thể nhìn lại và rút ra bài học đó là liệu phim đã làm đúng với những
gì mà người xem mong mỏi hay chưa, câu chuyện của phim có thực sự thuyết phục
hay chỉ đang dạo quanh cuộc đời của một nhân vật khó lấy được sự đồng cảm? Câu
trả lời hẳn là không khó để tìm ra.
Khi xem Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi, tôi nhận ra một vài
nét tương đồng của phim và Before sunrise (1995) & Once (2006). Hai con người
một nam một nữ tình cờ gặp mặt, cảm thấy đồng điệu nên họ quyết định đồng hành
cùng nhau để tâm sự và chia sẻ sở thích hay những mẩu chuyện nhỏ nhặt. Thông
qua những trao đổi hết sức riêng tư đó, họ hiểu con người nhau và cả hai đều ngập
ngừng trước việc ra quyết định có nên nghiêm túc với người kia hay không. Điều thú vị là bối cảnh Sài Gòn được đan cài
vào rất tự nhiên khiến hành trình của hai nhân vật vừa gợi nhắc đến hai phim nổi
tiếng mà tôi nhắc đến bên trên, vừa mang chút thi vị riêng của mảnh đất được mệnh
danh Hòn ngọc Viễn Đông một thời.
Tựu chung lại Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi là một phim đáng xem của điện ảnh Việt thời điểm hiện tại. Tuy còn một vài điểm yếu, nhưng đối với những bạn yêu âm nhạc indie hay làm nhạc indie, tôi nhiệt liệt recommend. Vì biết đâu, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh của chính mình ở trong phim thì sao?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét