Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2020

Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi (2019)


Là một tác phẩm đến từ đạo diễn Chung Chí Công năm 2019, Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi lấy chủ đề về sự lạc lối của người trẻ nơi đô thị trên nền chất liệu nhạc indie giàu cảm xúc. So với mặt bằng chung của phim Việt, Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi đã có một bước tiến khá xa về mảng diễn xuất và kịch bản. Biên kịch đã rất táo bạo khi dám tách mình khỏi khuôn mẫu các phim chứa yếu tố hài - kinh dị mà ta thường thấy ở các phim Việt những năm trở lại đây để tạo ra một cốt truyện mới mẻ mà chưa đạo diễn Việt nào dám thử sức. Cái khó ở đây là làm sao giữ chân được khán giả trong rạp khi câu chuyện hoàn toàn dựa vào hầu hết các cảnh đối thoại của hai nhân vật chính. Một điều khó hơn nữa mà phim đã làm được chính là tạo ra sự liền mạch cho mạch phim, dù có chuyển bối cảnh đôi lần nhưng không hề làm gián đoạn quá trình thưởng thức bộ phim.

 

Trước hết cần dành lời khen cho toàn bộ ekip khi đã mang đến những thước phim chỉn chu và có chiều sâu. Nổi bật với những cú long take và đổi hướng màn hình liên tục, đạo diễn hình ảnh đã bắt trọn được những khoảnh khắc hết mình với âm nhạc của hai diễn viên chính. Dù khá kiệm lời khen nhưng tôi thực sự đã rất ấn tượng với khả năng ca hát của Trần Lê Thúy Vy (vai Thanh) và Hà Quốc Hoàng (vai Tâm), hai bạn trẻ làm tốt vai trò kể chuyện qua âm nhạc và diễn xuất tự nhiên. Ngoài ra không thể phủ nhận gam màu vintage phủ bóng lên các không gian mà cả hai đi qua, vừa đem lại cảm giác hoài niệm vừa nâng tone cho các shot hình trở nên ấm áp kì lạ. Cho dù câu chuyện tuổi trẻ của họ có chênh vênh thì vẫn tồn tại một sự tin tưởng và an tâm vững chắc qua gam màu này.

Nói đi cũng phải nói lại, dù là một phim tốt ở thời điểm hiện tại, nhưng đây không phải là phim dành cho đại đa số các bạn trẻ như những gì được quảng bá trên truyền thông. Việc mà một phim tốt cần làm là lấy được sự đồng cảm của người xem, nếu không làm được thì sẽ cầm chắc thất bại. Lấy một nhân vật như Tâm làm khuôn mẫu cho cuộc sống nay đây mai đó của tuổi trẻ Sài Gòn, điều này khó gây dựng được mối đồng cảm với người xem. Mối trăn trở của Tâm, nếu không phải là người từng kinh qua trải nghiệm thất bại trong nghề làm nhạc, thì chắc chắn chẳng ai quan tâm.

 Không phải là sự lạc lối của người trẻ nói chung, đây là sự bế tắc trong cuộc đời của người làm nhạc độc lập, không tiền, không người ủng hộ, cũng không biết tương lai đi đâu về đâu. Khi gói gọn sự bấp bênh của tuổi trẻ bằng trải nghiệm cá nhân của Tâm, phim đã vô hình chung làm nên một xuất phát rất khó đồng cảm. Ngay ở cuộc đời qua lăng kính của Thanh cũng không thể cứu vớt trải nghiệm của khán giả, vì Thanh càng khó đồng cảm hơn nữa. Thanh không màng danh lợi, cũng không màng tương lai. Cô sẽ về Đà Lạt mở homestay, chấm hết. Cứ như một sự sắp đặt nào đó khiến cô nàng vô cùng ung dung tự tại, không tồn tại sự lo lắng hay bất an mà Tâm đang mang. Tôi không cho rằng đó là hình ảnh mà người trẻ nên hướng đến. Cho nên tính kết nối giữa hai nhân vật trở nên vô cùng lỏng lẻo. Chưa kể đến phản ứng hóa học giữa hai nhân vật khiến tôi phải ồ lên trong đoạn kết: Hóa ra anh ấy thích cô ấy sao? Và cô ấy cũng chờ đợi anh ấy đi tìm mình? Cảm xúc giữa họ rất khó tin, vì trong suốt những ngày thong dong cùng nhau, họ ít có sự kết nối về mặt cảm xúc đến mức tôi nghĩ họ đơn thuần là một người đưa ra câu chuyện một người đưa ra lời khuyên. Khi Tâm đến Đà Lạt tìm Thanh và bày tỏ tình cảm của mình, một sự gượng gạo đáng kể xuất hiện, cho dù hai nhân vật đã dùng ánh mắt ý nhị và cười mỉm với nhau để khỏa lấp. Tuy vậy là không đủ để đẩy cảm xúc lên cao và khiến tôi có chút chưng hửng.

Đây là một bộ phim không dành cho số đông, mà dành cho bộ phận những nghệ sĩ làm nhạc indie. Họ là những người đã nản chí trước hành trình dài, và có thể trong số họ đã có người từ bỏ âm nhạc để làm công việc bàn giấy hay bất cứ một nghề nghiệp nào có thể khiến họ trụ vững ở thành phố phồn hoa. Việc truyền thông chưa đúng đối tượng khán giả khiến Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi bị chê là nhạt nhẽo không có cao trào, thậm chí bị cắt suất chiếu. Đạo diễn Chung Chí Công đã đăng đàn kêu gọi cứu phim indie, điều này một mặt đã khiến nhiều người trẻ ủng hộ nhưng một mặt cũng khiến người ta hoài nghi và quay lưng lại với phim vì cho rằng đây chẳng khác gì một chiêu trò. Tính đúng sai của sự việc nằm ở góc nhìn của mỗi người, tôi không phán xét chuyện này. Tuy nhiên điều mà phim có thể nhìn lại và rút ra bài học đó là liệu phim đã làm đúng với những gì mà người xem mong mỏi hay chưa, câu chuyện của phim có thực sự thuyết phục hay chỉ đang dạo quanh cuộc đời của một nhân vật khó lấy được sự đồng cảm? Câu trả lời hẳn là không khó để tìm ra.

Khi xem Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi, tôi nhận ra một vài nét tương đồng của phim và Before sunrise (1995) & Once (2006). Hai con người một nam một nữ tình cờ gặp mặt, cảm thấy đồng điệu nên họ quyết định đồng hành cùng nhau để tâm sự và chia sẻ sở thích hay những mẩu chuyện nhỏ nhặt. Thông qua những trao đổi hết sức riêng tư đó, họ hiểu con người nhau và cả hai đều ngập ngừng trước việc ra quyết định có nên nghiêm túc với người kia hay không.  Điều thú vị là bối cảnh Sài Gòn được đan cài vào rất tự nhiên khiến hành trình của hai nhân vật vừa gợi nhắc đến hai phim nổi tiếng mà tôi nhắc đến bên trên, vừa mang chút thi vị riêng của mảnh đất được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông một thời.

Tựu chung lại Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi là một phim đáng xem của điện ảnh Việt thời điểm hiện tại. Tuy còn một vài điểm yếu, nhưng đối với những bạn yêu âm nhạc indie hay làm nhạc indie, tôi nhiệt liệt recommend. Vì biết đâu, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh của chính mình ở trong phim thì sao?

 

 


Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020

THE PRETTY ONE (2013)

Nếu như bạn chưa biết, blog này hoàn toàn là trải nghiệm cá nhân của tôi về phim ảnh, không thực sự đi sâu vào chuyên môn vì tôi là một kẻ ngoại đạo. Vì là sở thích cá nhân nên các bộ phim tôi chia sẻ có thể hay với tôi, không hay với bạn, điều đó là hoàn toàn bình thường. Cuộc sống tự do cá nhân của mỗi người là của riêng họ, không nên áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác, chúng ta có thể luôn vui vẻ tận hưởng những khác biệt của mọi người. Điều đó khiến tôi trưởng thành hơn và biết dung hòa tính cách.

Lan man vậy, hôm nay tôi muốn viết về Zoe Kazan và phim tôi thích nhất của cô nàng "The pretty one" (2013).

 

Zoe Kazan sinh năm 1983 tại Los Angeles, Mỹ trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật. Điểm mà tôi thích nhất ở Zoe là cô nàng đi theo hướng viết lách và có một cuộc sống riêng tư rất đáng ngưỡng mộ. Nếu như được biết đến nhiều hơn với vai trò diễn viên trong vai chính Ruby Spark (trong phim cùng tên do cô biên kịch và đóng cặp với Paul Dano năm 2012) và gần đây là Emily Gardner (The big sick 2017), Zoe lại khá nổi tiếng ở Mỹ với vai trò viết kịch/biên kịch. Gần đây nhất có thể kể đến Wildlife, kịch bản được chắp bút bởi Zoe và Paul, đồng biên kịch và cũng là bạn trai của cô.

Zoe là một nàng thơ của indie film, điều này không chỉ toát lên từ nhan sắc xinh đẹp không thể lẫn lộn của nàng mà còn từ diễn xuất tự nhiên trong những phim indie không được biết đến rộng rãi. Đồng hành cùng biên kịch Jenée LaMarque, Zoe tỏa sáng với vai nữ chính trong The pretty one (2013). Đến nay đối với tôi mà nói, đây vẫn là một phim gây thương nhớ nhất của Zoe.

The pretty one đưa chúng ta đến với vùng quê nước Mỹ trong mùa hè trong trẻo, nơi diễn ra một câu chuyện liên quan đến hai chị em sinh đôi mất mẹ sớm. Hai chị em Audrey và Laurel (cùng do Zoe thủ vai) như hai thái cực trái ngược nhau, Audrey mạnh mẽ, độc lập còn Laurel yếu đuối, hoài niệm. Hoài niệm có phải là một điều không tốt? Có thể, đôi lúc. Tôi luôn cho rằng con người có thể hoài niệm để sống một hiện tại tốt hơn, tuy nhiên chỉ sống mãi với quá khứ có thể khiến ta không thể tỉnh ngộ để đối diện với thực tế.

Laurel là một cô gái như vậy. Gắn bó với vùng quê nghèo bằng cách chép lại các tranh của các danh họa nổi tiếng, Laurel sống với cha mình, Frank và người mẹ kế tương lai, May. Cô luôn chăm sóc cho cha giống như một bảo mẫu, mặc lại chiếc váy của người mẹ quá cố như một cách tiếc nhớ quá khứ, và luôn muốn được giống như người chị gái đầy tự tin mạnh mẽ, Audrey. Laurel chưa bao giờ có ý định thoát ra khỏi cái kén bao bọc mình. Tuy nhiên cuộc đời này luôn cho ta những bài học để trưởng thành hơn, nhưng ta luôn phải đánh đổi một điều gì đó để đạt được nó. Đối với Laurel, bài học đó là mất đi Audrey.

Từ những cảnh quay đầu tiên, sự sao chép chính là tâm điểm. Có thể dễ dàng nhận ra trên phông nền yên bình của làng quê nước Mỹ, mọi sự phản chiếu ở hai chị em sinh đôi đều quét qua: hai chiếu giường đơn đặt đối xứng, kiểu tóc mà Laurel copy-paste cả chị mình, thậm chí nghề nghiệp của Laurel cũng là đi sao chép tranh. Khi làm bất cứ điều gì, Laurel đều liên tưởng xem Audrey từng làm nó ra sao, ngay cả trải nghiệm mất trinh của Audrey cũng được Laurel nhắc lại với một thái độ không nghiêm túc. Qua hồi hai của phim, tính công thức trong hành động của Laurel vẫn không hề mất đi. Sau cái chết của Audrey, Laurel trực tiếp hóa thân vào vai diễn Audrey trong vở kịch cuộc đời đang dang dở của cô chị gái đoản mệnh. Sống trong lốt Audrey, cư xử ấu trĩ như Laurel, làm đảo lộn tất cả các mối quan hệ, cô gái này không hề nhận ra trải nghiệm của mình là sai trái. Phản ánh phần nào bộ mặt yếu đuối, ưa dựa dẫm và không có chính kiến, nhân vật Laurel đã thể hiện cái tôi ích kỷ vượt qua chuẩn mực đạo đức thông thường. Điều không toàn vẹn và đi chệch mọi dự đoán của Laurel chính là cô đã gặp gỡ và yêu Basel (Jake M. Johnson thủ vai) - kẻ đáng lẽ ra Audrey rất căm ghét. Basel là nhân vật nền để Laurel nhận ra sai lầm giả danh của mình và cố gắng thay đổi để tìm về bản ngã thực sự.

Bằng ngôn ngữ điện ảnh không dành cho số đông, Jenée LaMarque đã tạo nên một The pretty one khác lạ khi không sở hữu những cảnh quay gãy gọn và đôi khi thiếu sự móc nối giữa các trường đoạn. Chính sự không hoàn hảo và thiếu chuẩn mực đó lại tạo nên nét độc đáo của bộ phim indie này. Tôi rất thích bức tranh chỉ có hai mảng màu xanh đen mà Laurel vẽ sau màn lộ tẩy thân phận, tuyệt nhiên không phải là bản sao của bất kỳ một ai. Đó là cảm xúc thuần khiết nhất về Basel mà Laurel đã thấy được ở bể bơi trong một đêm hè, khi Laurel rũ bỏ cái tôi của chị gái để ở bên Basel.

Việc hóa thân vào hai vai diễn có tính cách đối lập không thể làm khó Zoe Kazan. Dễ dàng nhận ra sự độc lập và quyết đoán của Audrey, vẻ nhút nhát nhu mì cùng cái tôi ích kỷ của Laurel đã được Zoe thể hiện tốt. Tuy vậy, để nói một cách công bằng thì đây không phải là vai diễn quá xuất sắc, sự vừa đủ trong cách thể hiện đã tạo ra một tổng thể hài hòa từ cốt truyện, diễn xuất, quay phim và lời thoại. Tôi luôn mong chờ ở Zoe trong các dự án tương lai, đương nhiên vẫn trên tư cách một nàng thơ indie xinh đẹp.

 

***

Là chính mình, tôi cá đây là bài học mà chẳng có trường học nào dạy bạn. Có khi đó chỉ là những điều "nghe có vẻ sáo rỗng, văn vẻ" mà cha mẹ của bạn sẽ giúp bạn thức tỉnh rằng Nào tỉnh dậy đi cô bé mơ mộng, đã đến lúc gấp lại truyện cổ tích để học tập và lao động rồi đó, con người của thế kỷ 21. Thế nên quan niệm về những gì tốt cho bản thân mình, người ngoài cuộc không thể nói cho bạn biết. Họ sẽ cho bạn những lời khuyên có ích, nhưng bạn luôn phải có chính kiến của mình. Đó là điều mà The pretty one đã dạy tôi. Bạn có thể là bản sao của ai đó, một lúc nào đó, nhưng đừng làm thế mọi lúc. Bạn phải là chính mình, tìm ra bản thân mình trong đống hỗn độn của cuộc sống ngoài kia. Con đường của người khác dẫn họ đến vinh quang , viên mãn nhưng không chắc chắn bạn cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc khi đi con đường giống họ. Nếu bạn muốn, hãy làm. Còn không, xin đừng!

Tôi cũng có một vài khoảng thời gian như Laurel, tôi nhìn những người xung quanh và đảm bảo rằng mình làm y hệt. Để chắc chắn mình giống họ và không bị bỏ lại phía sau như một kẻ thất bại. Chúng ta đều sợ lạc lõng với thế giới xung quanh, đây chính là lý do mà ta copy paste từ người khác. Tuy nhiên sẽ thật là thất bại khi ta không biết mình là ai, mình muốn gì nếu như cứ như một con robot bắt chước người khác.

- Vậy em đang mặc giống ai?

Basel trong mặt nạ sư tử hỏi Laurel, lúc này cô đã chọn cho mình một chiếc váy mà cô chưa từng mặc.

- Đây là em, chính em Laurel.

The pretty one - con người hoàn hảo ư? Không đâu, nếu như em hiểu rõ thì chẳng có ai hoàn hảo cả!


Thứ Năm, 4 tháng 6, 2020

INTO THE WILD (2007)


 Note: Bài viết có spoil toàn bộ nội dung phim.

     Tài tử Sean Penn luôn khiến người ta phải đứng ngồi không yên, trên cả cương vị diễn viên và đạo diễn.
Nếu như với vai trò diễn viên, Sean Penn gây ấn tượng với Mystic river, Milk, I am Sam hay The game thì trong vai trò đạo diễn, Into the wild đã khẳng định tài năng của nam tài tử với hai đề cử giải Oscar trong đó có giải nam diễn phụ xuất sắc nhất (Hal Holbrook vai Ron Franz).


        Phim dựa trên cuốn sách được viết bởi Jon Krakauer kể về cuộc hành trình có thật về việc từ bỏ mọi danh vọng của chàng trai trẻ Christopher McCandless (sau đổi tên thành Alexander Supertramp) để đến Alaska, theo đuổi một cuộc sống bên cạnh thiên nhiên. Cuốn sách vấp phải nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận, một mặt coi Chris như một kẻ điên khùng, ngớ ngẩn và rác rưởi khi từ bỏ gia đình êm ấm, tương lai tươi sáng để lang bạt ở nơi hẻo lánh và cuối cùng tự chuốc cho mình cái chết; mặt khác Chris được tôn vinh như biểu tượng của sự tự do, bứt bỏ mọi xiềng xích để về với bản ngã thực sự của mình, còn gì tuyệt vời hơn là được làm những gì mình muốn và sống với lựa chọn mà mình mang. Tôi luôn cho rằng đúng sai phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi người, không thể hoàn toàn quy tội những kẻ ngông cuồng, cũng không thể hoàn toàn mỉa mai những kẻ ngoan đạo.
     Khi đưa Into the wild lên màn ảnh rộng, Sean Penn đã phải chịu nhiều thách thức từ việc thuyết phục gia đình của Chris McCandless và từ chính nội tại câu chuyện – không dễ dàng để chuyển thể. Vì thế có thể nhận thấy cách kể chuyện của phim khác lạ với sự đan xen giữa hai dòng thời gian tuyến tính trong mạch truyện chính: Chris từ khi tốt nghiệp và Chris gặp Chiếc xe bus kì diệu. Hai dòng thời gian soi chiếu vào cùng một Chris, vừa giải thích động cơ cho chuyến hành trình của anh chàng, vừa cho người xem trải nghiệm một thế giới đời thật sống động.

“Tôi yêu con người, nhưng tôi yêu thiên nhiên nhiều hơn!”

      Lời tự sự của Chris bước đầu như một lời khẳng định cho mong muốn của anh. Là một sinh viên thông minh của trường đại học có tiếng, một người con trai đáng tự hào của đôi vợ chồng sở hữu khối tài sản bạc tỉ, và có một người em gái thân thiết cùng chia sẻ tuổi thơ, nhưng Chris đã gạt bỏ tất cả để lên đường. Trên đường đi, anh đốt hết số tiền giấy, lang thang qua nhiều địa danh để đến được Alaska. Gặp gỡ nhiều con người, có khi là một đôi vợ chồng ngao du khắp nơi, có khi là một ông già đã gần đất xa trời luôn phải chống chọi với cô độc, có khi là một ông chú sức dài vai rộng sẵn sàng chia sẻ mọi kinh nghiệm mình có, thậm chí là một cô gái tuổi mười sáu với rung động đầu tiên, rốt cuộc Chris vẫn đi theo tiếng gọi của lý trí mình. Lời dẫn truyện của cô em gái Carine mang đến một cái nhìn khách quan hơn, như một trục đối xứng với lời dẫn của Chris trong mạch truyện Chiếc xe bus kì diệu.
      Gia đình Chris không hoàn hảo như trong tưởng tượng của những người xung quanh, nhưng mà ai mà chẳng thế chứ không riêng gì gia đình của Chris. Tuy nhiên, càng sớm trưởng thành trong một môi trường coi trọng tiền bạc, danh tiếng và sự hào nhoáng hư ảo, Chris càng sớm có cái nhìn cực đoan về tiền tài danh vọng. Biến cố lớn đến với anh em Chris khi anh phát hiện cha mình từng có con riêng, tệ hại hơn nữa ông đã gạt bỏ máu mủ của mình để về với tổ ấm hoàn hảo này. Cuộc hôn nhân chắp vá của hai người dường như là vỏ bọc cho mọi câu chuyện phức tạp bên trong. Đó chính là động cơ cho sự ra đi của Chris.

      Into the wild thổn thức về tự do, niềm tin và giấc mơ của Chris. Giữa đồng cỏ hoang vu, chàng trai trẻ đắm chìm trong khung cảnh bầy ngựa và ánh hoàng hôn. Không tiền, không con người, không ràng buộc chính trị, và thiếu đồ dùng sinh hoạt thiết yếu, Chris tự mình tạo nên một cuộc sống vượt ra khỏi ranh giới an toàn. Tại Chiếc xe bus kì diệu, chàng trai trẻ đã sống tự tại, săn bắn và hái lượm, ghi lại hành trình của mình qua từng ngày. Anh muốn chứng minh rằng mình hoàn toàn có thể sống mà không cần tiền, việc làm hay danh tiếng. Thiên nhiên không làm đau ta như cách mà con người từng làm.
      Ấy vậy mà thiên nhiên đã mang Chris đi trong một cái chớp mắt đầy bàng hoàng. Đây chính là điểm gây nên tranh cãi dữ dội về ranh giới giữa một người hùng và một kẻ ngu xuẩn. Nhưng tôi cho rằng Chris đã có một cái chết mãn nguyện, vì anh đã sống một cuộc sống bản lĩnh, tự tin đi theo những gì bản thân mong muốn và không ngại đấu tranh chống lại ràng buộc của thế giới loài người đối với mình. Ánh mắt của Chris trước lúc lìa đời không oán hận mà giống như đang biết ơn. Ai đó sẽ đau lòng thay cho chàng trai trẻ, nhưng ai đó cũng biết cái chết thực ra không phải là một sự trừng phạt.

     Cảnh mà tôi ấn tượng nhất trong phim đó là khi Chris đứng trước một quán bar, anh nhìn thấy hình ảnh mình trong một anh chàng nhân viên văn phòng quần tây áo vest chỉnh tề với nụ cười dán trên môi một cách cường điệu. Đó đã có thể là Chris trong một hiện tại khác, một hiện tại đầy giằng xé khi anh đi theo con đường mà cha mình đã định sẵn: tốt nghiệp, xin việc, mua nhà, kết hôn và có những đứa con. Chris đã bỏ qua những giọt nước mắt của anh trên khung hình, đó là hiện thực mà cha mẹ anh mong muốn, còn với anh đó là chỉ như một trò chơi trong giấc mơ danh vọng mà thôi.

     Chẳng phải mong muốn của chúng ta trên đời này là sống tự do hay sao? Chúng ta làm mọi thứ để được tự do, làm những gì mình muốn. Tôi chợt nhớ đến một cô ca sĩ nọ, những năm gần đây nàng nổi lên như một hiện tượng của dòng nhạc Alternative rock/Dream pop với chất liệu Sadcore dù trước đó nàng chỉ là một cô ca sĩ hộp đêm với áo font quần jeans chẳng ai biết tới. Những ai biết tới nàng lần đầu sẽ shock khi thấy nàng hát live thảm hại, giọng thều thào như sắp chết, và đôi khi nàng hút vape khi live, nàng hôn trai lạ trên phố và nàng còn mặc quần cạp trễ để khoe hình xăm,... Vậy mà nàng tự do, đó là điểm tôi thích nhất ở nàng. Mấy ai dám tự do thể hiện bản ngã, hay chỉ biết núp sau mặt nạ của chính mình, làm những gì mà người khác muốn.
Rồi một ngày bạn sẽ thấy mình như tượng sáp vô hồn vì làm theo những khát vọng của người khác. Còn khát vọng của chính mình thì sao?

 “Nếu em muốn gì trong đời, em hãy mở bàn tay ra và nắm bắt lấy nó”

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2020

PARIS, TEXAS (1984)

Paris, Texas (1984), tựa phim tương đối cũ của đạo diễn Wim Wenders dễ làm chúng ta liên tưởng đến phim cao bồi miền tây những năm 60 với cảnh sa mạc suốt những phút đầu. Phim là hành trình của Travis, một người đàn ông lang thang gần như chết khát trên sa mạc, được người em trai tại Los Angeles đến nhận đoàn tụ. Vì một cú sốc nào đó mà đạo diễn đã cố tình giấu đi, Travis không chịu nói một câu trong suốt quá trình đuợc Walt đón về LA. Anh đoàn tụ với người con trai 8 tuổi Hunter, được cưu mang bởi Walt và vợ khi Travis bỏ đi. Dần dần quá khứ và những rạn nứt trong mối quan hệ của Trav và vợ cũ, Jane được tái hiện qua từng câu thọai của các nhân vật.

      Nhịp phim chậm rãi trên nền nhạc guitar réo rắt tương phản với những thước phim gấp gáp hay những cú cắt cảnh gọn ghẽ mà ta thường thấy trong phim hiện đại. Nhịp điệu chậm chạp dẫn lỗi qua sự mơ hồ về thời gian, sự đứt gãy của tình người trong một khoảnh khắc mà người ta còn hoài nghi về tính liên kết trong câu chuyện mà phim muốn kể.
      Bốn năm, khoảng thời gian biến Travis từ một người đàn ông phong trần thành một ông già không hơn không kém, và cũng biến anh thành người xa lạ với con trai mình. Đi từ những rạn vỡ đến chữa lành trong mối quan hệ cha con, Trav dần trở thành một người giàu tình cảm, khác hẳn với vẻ lãnh đạm và bất cần đời của người đàn ông trên sa mạc mà chỉ một tiếng đồng hồ trước còn khiến người xem phải thắc mắc không thôi.

      Có thể nói, những gì cô đọng nhất về Paris, Texas nằm ở đoạn kết khi mà người xem đã vượt qua được gần hai tiếng đồng hồ đồng hành cùng sự chậm rãi trong cách kể chuyện. Đó là khi sự hối hận đã đưa Trav vào hành trình tìm lại Jane và nối lại mối quan hệ của cô với Hunter.
Trav gặp được Jane tại một peep-show (một hình thức giống như câu lạc bộ khiêu dâm, nơi các cô gái – stripper – làm mọi thứ để chiều lòng những customer của mình, thường là cởi đồ và nhảy những điệu erotic), nơi cô làm việc. Không cầu kỳ cho một cuộc đoàn viên ngắn ngủi, những gì được bóc tách qua hình ảnh người vợ phản chiếu qua tấm gương một chiều, ban đầu, có thể chưa đủ thỏa mãn cái nhìn đầy tò mò của người xem.
“Can I tell you something? It's kind of a long story
I knew these people... These two people. They were in love with each other. The girl was... very young, about seventeen or eighteen, I guess. And the guy was... quite a bit older. He was kind of raggedy and wild. And she was very beautiful, you know?
[..] He liked to make her laugh. And they didn't much care for anything else because all they wanted to do was to be with each other. They were always together.”
Ngay khi ánh mắt Trav dừng lại phía sau lưng một cô gái trẻ, tóc bạch kim cùng với một chiếc áo len hồng gần như hờ hững trễ vai, ai cũng biết đó sẽ là Jane.
Câu lạc bộ đầy rẫy những gã đàn ông thèm thuồng, luôn muốn hiện thực hóa khoái cảm của việc nhìn trộm phụ nữ. Khi đó, lòng ghen tuông của Trav trỗi dậy, vì anh biết cô cũng giống như những stripper khác, sẵn sàng cởi đồ và chiều lòng customer của mình.
“They were real happy. And he... he loved her more than he ever felt possible. He couldn't stand being away from her during the day when he went to work... so he'd quit. Just to be at home with her.
Well, he knew he had to work to support her, but he couldn't stand being away from her, either.
He started thinking that she was seeing other men on the sly. He'd come home from work and accuse her of spending the day with somebody else. Then he'd yell at her and start smashing things in the trailer.”
Sự xa cách của Trav khiến anh giống như người lạ với Jane, dù họ đã từng chia sẻ với nhau một quá khứ. Dẫu vậy, quá khứ một lần nữa kết nối họ lại với nhau và khiến Trav muốn chuộc lại lỗi lầm. Tuy nhiên, trong tương lai mà Trav muốn mang lại cho Jane sẽ không có anh trong đó. Vì tình yêu của họ không phải bao giờ cũng đi liền với lẽ phải.
“[..] This time, when he came home late at night, drunk, she wasn't worried about him, or jealous, she was just enraged. She accused him of holding her captive by making her have a baby. She told him that she dreamed about escaping. That was all she dreamed about: escape. She saw herself at night running naked down a highway, running across fields, running down riverbeds, always running. And always, just when she was about to get away, he'd be there. He would stop her somehow. He would just appear and stop her. And when she told him these dreams, he believed them. He knew she had to be stopped or she'd leave him forever.
So he ned a cow bell to her ankle so he could hear her at night if she tried to get out of bed. But she learned how to muffle the bell by stuffing a sock into it, and inching her way out of the bed and into the night. He caught her one night when the sock fell out and he heard her trying to run to the highway. He caught her and dragged her back to the trailer, and tied her to the stove with his belt.”

     Bi kịch của người đàn ông là khi quá yêu người phụ nữ của mình, quá chiếm hữu và kiểm soát đến mức gần như hủy hoại tất cả. Dù không có một phân cảnh nào về quá khứ đau khổ của Travis và Jane nhưng đôi mắt Jane đã kể cho chúng ta tất cả về nỗi đau của cô. Diễn xuất của Jane (Nastassja Kinski) rất đắt giá trong khoảnh khắc này, vừa là sự đấu tranh nội tâm với những sự kiện đã qua vừa là tình yêu gói gọn trong sự tưởng nhớ về tuổi trẻ bồng bột.

     Gia đình và sự dung thứ trong Paris, Texas không cần quá dữ dội để kể về một thì quá khứ nhiều trắc trở, nhưng cũng đủ cho người ta thấy dù qua sóng gió, sẽ không có nơi nào vun đắp tình thương được như gia đình
Và Paris ở Texas, đâu chỉ là một khu đất trống khô cằn giữa sa mạc cơ chứ?